Hóa học của sơn móng tay

Sơn móng tay luôn là niềm vui và sở thích không chỉ của chị em phụ nữ mà cả cánh “mày râu” nữa đó. Điều này thật thú vị phải không?

Đôi nét

Khi bạn xem xét sơn móng tay thì chúng không có vẻ giống như một quá trình hóa học đặc biệt phức tạp, nhưng có nhiều thứ hơn là nhìn bằng mắt đấy.

Bên trong chúng còn chứa những hợp chất hóa học mà bạn có thể nghe thường xuyên trong phòng thí nghiệm hơn là trong tiệm làm móng.

Chính sự kết hợp này tạo nên một hợp chất thú vị mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy trong sơn móng tay. Nhưng không phải ai cũng có thể hiểu rõ về chúng.

Vì thế để giúp cho các bạn hiểu rõ hơn, chủ đề tiếp theo hôm nay của blog sẽ là hóa học của sơn móng tay nhé!

Hóa học đằng sau

Sơn móng tay thông thường có thành phần chính là polymer, phổ biến nhất trong số đó là nitrocellulose, được hòa tan trong một dung môi, thường là ethyl acetate hoặc butyl acetate.

Khi các dung môi này bốc hơi, để lại polymer và tạo thành một lớp màng trên móng tay.

Những nhựa polymer dạng keo cũng được chứa trong sơn giúp các màng polymer dính vào móng tay dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, người ta còn cho thêm vào một số hợp chất biến tính khác để giúp làm tăng độ bóng của polymer sau cùng.

Tuy nhiên, loại sơn móng tay thông thường này không phải là sự lựa chọn duy nhất. Gel sơn móng tay là một công thức thay thế bao gồm các hợp chất methacrylate và các hợp chất “khơi mào quang hóa” như benzoyl peroxide.

Không giống như sơn móng tay thông thường, các hỗn hợp này không dễ sơn và để khô.

Thay vào đó chúng được sơn thành từng lớp và để tiếp xúc với ánh sáng cực tím. Chính quá trình tiếp xúc này khơi mào một quá trình polyme hóa và làm sơn rắn lại.

Trong cả hai loại sơn móng tay thông thường và gel, chất hóa dẻo đều được sử dụng. Đây là những hợp chất được thêm vào để ngăn chặn việc sơn dễ bị nứt hoặc sứt mẻ. Chúng vẫn duy trì sau khi các dung môi bay hơi hoặc khi sơn được chiếu bằng tia UV.

Hơn nữa, trong thực tế chúng còn được sử dụng trong các loại nhựa, không chỉ dùng để sơn mà còn giúp cộng thêm tính linh hoạt.

Các chất hóa dẻo được sử dụng trong sơn móng tay luôn là chủ đề gây tranh cãi.

Thí dụ như dibutyl phthalate (DBP) là một chất hóa dẻo được sử dụng rộng rãi, nhưng việc sử dụng nó đã bị cấm ở các nước EU từ năm 2004 do những lo ngại về khả năng gây trở ngại cho hệ thống hormone của con người.

Nó cũng đã được loại bỏ ở Mỹ, và người ta đã sử dụng các chất hóa dẻo khác để thay thế cho nó, như là camphor, glyceryl tribenzoate, và triphenylphosphate (TPPP).

Gần đây, việc gia tăng sử dụng các hợp chất thay thế cho DBP, cũng liên kết đến những lo ngại liên quan đến sự phá vỡ hormone.

Điều này cho thấy việc tìm kiếm các chất thay thế an toàn cho các thành phần bị cấm trong mỹ phẩm không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Bên cạnh đó, các thành phần chính trong sơn móng tay còn có các hợp chất cung cấp cho nó màu sắc. Chúng là các chất màu, hoặc là vô cơ hoặc hữu cơ (dựa trên cacbon).

Các chất màu vô cơ được sử dụng bao gồm oxit crôm cho màu xanh lá, oxit sắt cho màu đỏ và cam, và ferricyanua sắt cho màu xanh dương.

Các chất màu hữu cơ tương tự như các chất màu được sử dụng trong các chất tạo màu thực phẩm và có nhiều màu khác nhau.

Việc tạo hiệu ứng màu phức tạp hơn cũng có thể làm được. Thí dụ như để tạo màu óng ánh nhiều màu sắc chúng ta có thể sử dụng titanium dioxide hoặc mica nghiền mịn với hỗn hợp sơn móng tay, và các mảnh nhỏ của kim tuyến cũng có thể được thêm vào.

Các chất làm đặc, chẳng hạn như stearalkonium hectorite, được thêm vào để giữ cho các chất màu và các chất phụ gia khác bị lơ lửng trong sơn bóng.

Ngoài ra còn có một số loại sơn móng tay khác như sơn thermochromic (nhạy cảm nhiệt độ) và photochromic (nhạy cảm ánh sáng). Sơn thermochromic sử dụng các hợp chất gọi là leucodyes chứa trong những viên nang siêu nhỏ (microcapsule).

Những microcapsule này cũng chứa một dung môi có điểm nóng chảy thấp và một axit.

Khi nhiệt độ đủ thấp, thuốc nhuộm và các phân tử axit ở gần nhau, cho phép chuyển các nguyên tử hydro giữa các phân tử và để thuốc nhuộm ở dạng màu của nó.

Khi nhiệt độ tăng, dung môi tan chảy, và các phân tử dịch chuyển ra xa nhau; và quá trình chuyển hydro không còn xảy ra nữa, lúc này thuốc nhuộm thay đổi thành dạng không màu.

Trong khi đó, sơn photochromic lại sử dụng các hợp chất nhạy cảm với ánh sáng, trải nghiệm sự thay đổi cấu trúc khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

Thí dụ như là các hợp chất thường được sử dụng bao gồm spiropyrans và spirooxazines. Sự thay đổi cấu trúc của sự hấp thụ ánh sáng tia cực tím làm thay đổi sự hấp thu của hợp chất, khiến cho màu sắc của nó thay đổi.

Tuy nhiên, ánh sáng tia cực tím cũng có thể là một vấn đề đối với sơn móng tay. Bởi vì khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể khiến màu sơn bị phai màu.

Để tránh điều này, các chất phụ gia như benzophenone-1 được thêm vào hỗn hợp. Các chất phụ gia này hấp thụ ánh sáng tia cực tím và ngăn chặn nó tẩy trắng các sắc tố màu trong sơn.

Đến đây thì bài viết đã hết rồi. Bài viết tuy ngắn nhưng cũng đã mô tả một phần nào về hóa học của sơn móng tay. Hi vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn phần nào.

Trong tương lai nếu bạn sử dụng chúng thì hãy xem xét kỹ thành phần và sử dụng chúng một cách thông minh và khoa học nhé!

Nếu bạn thấy bài viết hay và hữu ích thì đừng quên like và share dùm blog. Cảm ơn!

Tham khảo Compound Interest, Tom Husband (The Mole-1/2015) và C&EN.

Chia sẻ:
 
HHLCS

Tôi là người đam mê Hóa học và muốn chia sẻ những kiến thức này cho những người cùng sở thích, đam mê. Tôi chủ yếu xuất bản về các chủ đề liên quan đến hóa học trong cuộc sống hằng ngày.