Vào những ngày mùa hè nắng nóng như thế này, khi chúng ta lao động hay sinh hoạt thì cơ thể giải nhiệt bằng cách tăng tiết mồ hôi. Lúc này, mồ hôi có thể chảy vào mắt gây viêm nhiễm cho đôi mắt của bạn.
Hay đôi lúc mắt có thể bị nhiễm khuẩn do nhiều nguyên nhân khác nhau như mắt đỏ, viêm mí mắt, viêm giác mạc,… Vì thế, một trong những sản phẩm cứu cánh trong trường hợp này là thuốc nhỏ mắt.
Hầu hết trong những chai thuốc nhỏ mắt nhà sản xuất luôn khuyến cáo, bạn đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Bởi vì có một số người sử dụng do giới thiệu này nọ mà quên đọc.
Dân gian ta có câu đôi mắt là cửa sổ tâm hồn đúng không nào? Do đó trong bộ sưu tập hóa học và đời sống hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về hóa học của nước nhỏ mắt nha!
Định nghĩa
Thuốc nhỏ mắt là những chế phẩm lỏng, dạng dung dịch hay hỗn hợp, vô khuẩn chứa một hay nhiều dược chất, được nhỏ vào mắt để điều trị các bệnh về mắt.
Thuốc nhỏ mắt có thể được bào chế dưới dạng bột vô khuẩn, trước khi sử dụng được pha với chất lỏng vô khuẩn thích hợp.
Thành phần của thuốc nhỏ mắt
Một chai thuốc nhỏ mắt mà bạn thường mua từ tiệm thuốc hay cửa hàng, đều bao gồm các thành phần chính như sau: dược chất, dung môi, các chất thêm vào thuốc nhỏ mắt hay chất phụ gia và bao bì đựng thuốc.
Dược chất
Dược chất dùng để pha thuốc nhỏ mắt phải có độ tinh khiết cao và nếu có thể giống như dược chất dùng để pha chế thuốc tiêm.
Các dược chất rất đa dạng, có tính chất lý, hóa học rất khác nhau, do vậy, cần căn cứ vào tính chất của dược chất có trong thành phần của thuốc nhỏ mắt, mục đích điều trị mà thêm các chất thích hợp có tác dụng hỗ trợ để chế phẩm thuốc nhỏ mắt bào chế ra có độ ổn định cao, có sinh khả dụng tốt và an toàn đối với mắt.
Dược chất dùng để pha chế các thuốc nhỏ mắt có thể chia thành các nhóm dược chất dựa trên tác dụng dược lý như sau:
Các thuốc dùng để điều trị nhiễm khuẩn:
Tùy theo tác nhân gây bệnh mà lựa chọn các thuốc kháng khuẩn cho thích hợp, cũng có thể dùng một hoặc kết hợp hai hay nhiều thuốc kháng khuẩn trong một công thức thuốc nhỏ mắt. Các dược chất thường dùng là:
- Các muối vô cơ và hữu cơ của các kim loại bạc, kẽm, thủy ngân như kẽm sulfat, argyrol, protargol và thimerosal.
- Các thuốc gây tê bề mặt: một số các thuốc gây tê bề mặt như tetracain hydrochlorid, cocain hydrochlorid được dùng khá phổ biến trong nhãn khoa khi tiến hành các thủ thuật chẩn đoán hoặc tiến hành các phẫu thuật nhỏ ở mắt.
- Các sulfamide như natri sulfacetamid và natri sulfamethoxypyridazin.
- Thuốc kháng khuẩn như chloramphenicol, tetracylin, gentamycin, neomycin, polymycin, ciprofloxacin, noraoxacin, ofloxacin…
- Thuốc chống nấm như nystatin, natamycin, ketoconazol, miconazol.
- Các thuốc chống viêm tại chỗ: thường dùng là các corticosteroid, tùy theo vị trí viêm mà dùng các corticosteroid có hoạt lực khác nhau. Nếu bị viêm sâu trong niêm mạc thì nên dùng các chất có hoạt lực mạnh như dexamethason 0.1% hay prednisolon 1%, còn nếu bị viêm trên bề mặt thì nên dùng các chất có hoạt lực thấp như hydrocortison thường hay dùng phối hợp một corticosteroid với một kháng sinh.
- Khi dùng corticosteroid cần chú ý đến các tác dụng không mong muốn do thuốc gây ra như: tăng nhãn áp, giãn đồng tử, viêm màng mạch, sa mi mắt, chậm liền vết thương giác mạc và nhiễm khuẩn thứ phát. Một số thuốc chống viêm không steroid được pha dưới dạng thuốc nhỏ mắt như natri dichlofenac, indomethacin.
- Các thuốc giãn đồng tử: thường dùng là atropin, homatropin và scopolamin.
- Các thuốc điều trị glaucom: thường dùng là pilocarpin, carbachol hoặc các thuốc thụ thể p như betaxolol. Timolol và bunolol có tác dụng làm giảm áp lực trong mắt.
- Các vitamin: một số vitamin như vitamin A, vitamin B2, vitamin C,… cũng được pha dưới dạng thuốc nhỏ mắt riêng rẽ phối hợp với các dược chất khác.
- Các thuốc dùng để chẩn đoán: natri auorescein được dùng tại chỗ giúp cho chẩn đoán xướt hoặc loét giác mạc và các tổn thương ở võng mạc.
Dung môi
Dung môi để pha chế thuốc nhỏ mắt thường dùng là nước cất. Nước cất phải vô khuẩn và đạt yêu cầu kiểm định như ghi trong dược điển. Ngoài ra cũng có thể dùng dầu thực vật để pha chế thuốc.
Dầu thực vật tồn tại thể lỏng ở nhiệt độ phòng và không gây kích ứng mắt. Dầu tốt nhất là dầu thầu dầu do dầu này có tác dụng làm dịu niêm mạc mắt.
Các chất thêm vào thuốc
Chất sát khuẩn
Mục đích thêm chất sát khuẩn vào công thức thuốc nhỏ mắt là để diệt ngay các vi sinh vật từ môi trường rơi vào thuốc sau mỗi lần sử dụng.
Mặc dù trong nước mắt có lysosym có tác dụng kháng khuẩn nhưng nhẹ, khả năng ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn từ môi trường không cao.
Yêu cầu của chất kháng khuẩn: phổ rộng, tác dụng nhanh, không độc, không dị ứng, không gây kích ứng mắt không tương kỵ với thành phần có trong thuốc, hòa tan tốt trong dung môi pha chế, không bị biến màu, bền về mặt hóa học.
Không có chất sát khuẩn nào có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, do đó, tùy thuộc vào đặc tính chất sát khuẩn và các thành phần có trong công thức thuốc nhỏ mắt mà chọn chất sát khuẩn thích hợp.
Một số chất sát khuẩn thường dùng: benzalhonium chlorid (vùng có tác dụng tốt pH>5), các muối thủy ngân hữu cơ như PMN, PMA, thimerosal (tác dụng tốt trong môi trường trung tính và kiềm.
Thimerosal tương kỵ với acid boric nên không dùng trong thuốc có chứa acid boric), chlorobutanol (dùng tốt cho các thuốc có pH <=5),…
Chất điều chỉnh pH
Mục đích làm tăng độ tan của dược chất, giữ cho dược chất có độ ổn định cao nhất, ít gây kích ứng mắt, tăng tác dụng của chất sát khuẩn, tăng khả năng hấp thu của thuốc qua giác mạc.
Một số dung dịch và hệ đệm thường dùng
- Dung dich acid boric 1.9% (w/v) thích hợp pha chế các thuốc có dược chất dễ tan và ổn định ở pH acid. Dung dịch này thêm 0.1% natrisulfit có thể làm dung môi pha chế thuốc có thành phần dược chất dễ bị oxy hóa như ephedrin,…
- Hê đệm boric-borat có tác dụng đệm, tác dụng sát khuẩn, khá kích ứng mắt.
- Hệ đệm phosphate có pH thay đổi từ 5.9 đến 8.
- Hệ đệm citric-citrat có tác dụng điều chỉnh pH, tác dụng khóa các ion kim loại nên thích hợp dùng cho các thuốc có chất dễ bị oxy hóa.
Chất đẳng trương
Thường dùng là natri chlorid, kali chlorid, các muối dùng trong dung dịch đệm, glucose, manitol.
Các chất chống oxy hóa
Các dược chất bị oxy hóa dưới tác dụng của oxy, gốc tự do và được xúc tác bới ánh sáng, vết ion kim loại nặng,…Để bảo vệ dược chất khỏi bị oxy hóa người ta thường dùng các chất chống oxy hóa như natri sulfit, natri metasulfit.
Sục khí nitrogen vào dung dịch thuốc khi đóng lọ cũng có tác dụng hạn chế quá trình oxy hóa dược chất hiệu quả.
Các chất làm tăng độ nhớt
Tác dụng kéo dài thời gian lưu thuốc tại mắt, cản trở quá trình rửa trôi thuốc, tạo điều kiện cho thuốc được hấp thu tốt hơn. Một số chất hay dùng như MC (methycellulose), CMC,…
Chất hoạt động bề mặt
Chỉ thêm chất hoạt động bề mặt vào thuốc có nồng độ thấp đủ để thực hiện chức năng năng mong muốn. Một số chất như là polysorbat 20 và 80, polyoxy 40 stearat.
Bao bì
Bao bì đựng thuốc bao giờ cũng phải có bộ phận nhỏ giọt. Bao bì có thể bằng thủy tinh, chất dẻo hoặc cao su.
Cách nhỏ mắt đúng
- Chỉ nên dùng thuốc nhỏ mắt trong vòng 15 ngày kể từ khi mở lắp. Để tránh quên, nên ghi lại ngày mở. Nếu quá thời gian này, các vi khuẩn, vi nấm có trong không khí có thể xâm nhập vào lọ thuốc, gây nhiễm bẩn.
- Khi sử dụng, tránh để đầu lọ thuốc chạm vào mắt đang đau để hạn chế tiếp xúc với nguồn gây bệnh.
- Hạn chế nhỏ 2 hoặc 3 loại thuốc cùng lúc để tránh phản ứng thuốc. Nếu trường hợp bắt buộc phải dùng hai loại thuốc nhỏ mắt, thì nên nhỏ cách nhau 15 phút để tránh lãng phí thuốc do bị trào ra ngoài.
Qua bài viết này, tôi hi vọng các bạn đã hiểu phần nào về thành phần và hóa học của thuốc nhỏ mắt. Trong tương lai, khi bạn sử dụng chúng nên cẩn thận đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng hay tham khảo ý kiến của bác sĩ nhé!
Tham khảo duocdien, tacdungcuathuoc và canhgiacduoc.org.