Hóa học của việc giữ hoa lâu tàn

Hôm nay nhân ngày quốc tế phụ nữ 8/3, tôi xin giành những lời chúc tốt đẹp nhất cho vợ, gia đình và bạn bè tôi. Tuy nhiên, chủ đề hôm nay của chúng ta không phải là ngày 8/3 đâu nhé!

Đôi nét

Tôi chỉ mượn ngày này để nói chủ đề hoa. Như các bạn biết đấy, hoa là một trong những loại quà mà mọi người thường hay tặng nhau trong những ngày này.

Vì chúng tượng trưng cho rất nhiều thứ đặc biệt là người phụ nữ. Nhưng sau khi bạn hay ai đó nhận được chúng thì hầu hết mọi người thường vứt hay bỏ đi vào ngày hôm sau vì chúng rất nhanh héo, chỉ có một ít trong số đó được giữ lâu đúng cách mà thôi.

Hôm nay, tôi sẽ bày cho các bạn cách làm sao giữ hoa lâu tàn và hóa học đằng sau việc này nhé! Bí quyết của phương pháp này không có gì là ghê gớm lắm đâu các bạn.

Mọi người có thể dễ dàng tìm chúng trên internet. Tuy nhiên, ma thuật hóa học đằng sau chúng mới thật là điều thú vị!

Để giúp cho các bạn dễ theo dõi, tôi sẽ chia phương pháp này ra làm 4 phần là đường, chất tạo acid, kháng sinh, chất ức chế và điều hòa. Đây là những thành phần giúp cho hoa của các bạn sẽ lâu tàn đấy.

Hóa học đằng sau

Đường

Đường là thành phần quan trọng trong nguồn dinh dưỡng mà các bạn phải thường xuyên cung cấp sau khi mua hoa. Hai loại đường thường được sử dụng phổ biến là glucose và sucrose.

Chất tạo acid

Đại đa số mọi người đều mua hoa, cắt tỉa gọn gàng, đặt chúng trong bình hoa và sau đó đổ nước sinh hoạt hay nước máy vào. Nhưng các bạn có biết rằng việc làm này không tốt cho hoa tí nào.

Bởi vì nước máy hay nước sinh họat có tính kiềm (theo tiêu chuẩn QCVN của Bộ Y Tế thì giá trị pH trong nước sinh hoạt từ 6.0-8.5, nhưng trên thực tế tiêu chuẩn của nước máy và nước ăn uống có pH dao động từ 6.5-8.5), chính điều này làm đẩy nhanh quá trình héo của hoa.

Do đó, các bạn cần bổ sung thêm chất tạo acid để làm giảm pH và mang giá trị này gần với giá trị pH những tế bào thực vật của hoa để bảo vệ chúng khỏi bị héo.

Những loại tác chất thường được sử dụng trong trường hợp này là acid citric và aluminium sulfate. Bên cạnh đó, một số người có thể dùng thuốc aspirin để thay những tác chất này.

Về mặt hóa học thì hành động này không có gì khác mấy đâu các bạn! Tùy thuộc vào bạn có sẵn những tác chất gì trong tay thôi!

Chất kháng sinh

Sau một thời gian sử dụng, nước trong bình hoa trở nên có mùi “thúi” rất đặc trưng do vi sinh vật phát triển tạo ra mùi. Mùi này chắc ai cũng biết khi dọn dẹp những bình hoa sau Tết hay vào những ngày đặc biệt.

Việc thêm chất kháng sinh sẽ giúp ngăn cản vi sinh vật phát triển trong nước của bình hoa và giúp kéo dài thời gian sống của hoa.

Một vài những hợp chất thường được sử dụng là 8-hydroxyquinoline sulfate (hoặc citrate) và sodium hypochlorite (hay còn được gọi là chất tẩy trắng).

Chất ức chế và điều hòa

Một vài loại hóa chất bạn có thể sử dụng như chất điều hòa chứa cytokinin giúp cho hoa phát triển như là 6-Benzyladenine.

Bên cạnh đó, chúng ta có thể sử dụng những hợp chất như silver thiosulfate để kéo dài thời gian nở của hoa bằng cách ức chế hormon ethylene của thực vật (thường được biết đến như quá trình chín của thực vật).

Như vậy, bài viết này đã giúp cho các bạn có một vài ý tưởng để giúp hoa lâu tàn. Tùy thuộc vào điều kiện sẵn có hay kinh tế của mỗi người mà các bạn có thể sử dụng chúng một cách khoa học nhé!

Hãy giữ những bông hoa luôn khoe sắc vì chúng chỉ đẹp khi các bạn còn nâng niu.

Tham khảo C&EN và tổng hợp.

Chia sẻ:
 
HHLCS

Tôi là người đam mê Hóa học và muốn chia sẻ những kiến thức này cho những người cùng sở thích, đam mê. Tôi chủ yếu xuất bản về các chủ đề liên quan đến hóa học trong cuộc sống hằng ngày.