Hóa học của nha khoa

Hôm nay nhân dịp cuối tuần, tôi có đi uống trà sữa với mấy người bạn ở công ty cũ. Lúc đầu cuộc trò chuyện chỉ xoay quanh những vấn đề trong cuộc sống thường ngày, cũng giống như bao người khác.

Một lúc sau, chủ đề lại chuyển qua việc làm răng của bà chị. Như các bạn biết đấy, dân gian ta thường có câu “cái răng, cái tóc là góc con người” mà.

Đôi nét

Khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu làm đẹp cho bản thân cũng được nâng lên rất nhiều. Nói đến các công việc liên quan đến nha khoa thì tôi có vẻ rất mù tịt, nên mới quyết tâm lên mạng tìm hiểu ra sao.

Thật chất khi nói về hóa học liên quan đến nha khoa thì có ai trong số các bạn biết rõ về chúng nào? Chắc chỉ có những người làm nha sĩ mới hiểu rõ được chúng thôi.

Vì thế sau thời gian tìm kiếm về chủ đề này, tôi cũng tìm được một vài điều thú vị về hóa học của chúng. Trong bài tiếp theo của blog “hóa học là chia sẻ”, tôi sẽ giúp cho các bạn hiểu rõ hơn về hóa học của nha khoa nhé!

Sâu răng

Điều đầu tiên khi nói đến nha khoa chắc chắn chúng ta phải đề cập về vấn đề sâu răng. Vậy tại sao răng chúng ta bị sâu? Có phải chăng do có “sâu” trong răng như truyền thuyết.

Có một điều thú vị là không có con “sâu” nào đâu các bạn ạ! Khi chúng ta xem xét về khía cạnh khoa học thì sâu răng là do những vi khuẩn bên trong miệng hình thành những mảng bám trên răng và nướu của bạn.

Bởi vì khi chúng ta ăn, những vi khuẩn này tạo ra những acid hữu cơ từ đường có trong thức ăn.

Sau đó, những acid này tấn công men răng và có thể dẫn đến những lỗ hổng trên răng. Điều này giống như việc bạn cho sắt vào acid ấy. Bên cạnh đó, những acid thực phẩm và đồ uống (thí dụ như đồ uống có gas…) cũng gây ra sâu răng nữa đó.

Tại sao kem đánh răng giúp ngăn ngừa sâu răng?

Nguyên nhân là do trong kem đánh răng có chứa flouride, thường tồn tại dưới dạng sodium flouride và tin(II) flouride, vì thế chúng giúp ngăn ngừa sâu răng. Do những ion flouride chuyển đổi hydroxyapatite có trong men răng thành flourapatite.

Chính tác chất này giúp ngăn ngừa acid rất tốt. Bên cạnh đó, có một cách thú vị khác để ngăn ngừa sâu răng đó là nhai kẹo Xylitol, bạn có thể tham khảo thêm về bài viết này trong blog nhé!

Nếu những cách này không cứu được răng của bạn và vẫn bị sâu thì việc trám răng sẽ giúp phần nào che những lỗ hổng này lại, trước khi bạn quyết định nhổ răng khi răng không thể cứu chữa được nữa. Vậy các bạn có biết thành phần hóa học có trong chất trám răng là gì không?

Trước đây, những người nha sĩ thường sử dụng “Amalgam nha khoa” để trám những lỗ sâu răng (kỹ thuật này còn gọi là trám Amalgam). Chúng là chất trám bao gồm thủy ngân với các thành phần mạt kim loại như bạc, đồng thiếc…

Tuy nhiên do những vấn đề liên quan đến môi trường nên ngày nay người ta ít sử dụng chúng.

Trong nha khoa hiện đại, người ta sử dụng những nhựa composite để thay thế. Một trong những nhựa nổi tiếng này là Bis-GMA, hình thành từ phản ứng polymer hóa dưới ánh sáng tử ngoại (UV) của bisphenol A (BPA) và glycidyl methacrylate (GMA).

Xử lý ố vàng

Còn nếu chẳng may răng bạn bị ố vàng thì phải làm sao? Có rất nhiều cách để xử lý vấn đề này, tùy thuộc vào kinh tế của bạn mà thôi. Nếu không có chi phí thì bạn có thể sử dụng những loại kem tẩy trắng răng, nó rất rẻ và tiết kiệm.

Bởi vì những loại kem này thường có chứa chất mài mòn như silica và alumina, giúp tẩy trắng răng khi bạn “đánh”.

Ngoài ra, nếu bạn khá giả thì có thể đến gặp nha sĩ để tẩy răng bằng những hóa chất chuyên dụng. Họ thường sử dụng hydrogen peroxide hoặc chất tẩy trắng, thí dụ như carbamide peroxide vì chúng dễ dàng chuyển hóa thành hydrogen peroxide.

Trên đây chỉ là một vài thí dụ nhỏ về hóa học của nha khoa, hi vọng bạn sẽ hiểu hơn về hóa học của chúng. Lần sau, nếu bạn bị sâu răng hay đi trám răng thì hãy nhớ những điều thú vị về hóa học đằng sau chúng nhé!

Tham khảo C&EN và Nhakhoanhantam.com.

Chia sẻ:
 
HHLCS

Tôi là người đam mê Hóa học và muốn chia sẻ những kiến thức này cho những người cùng sở thích, đam mê. Tôi chủ yếu xuất bản về các chủ đề liên quan đến hóa học trong cuộc sống hằng ngày.