Như vậy là đã 150 năm (1869-2019) kể từ khi bảng hệ thống tuần hoàn đầu tiên ra đời, góp phần vào sự phát triển và hiểu biết về hóa học của thế giới.
Vì thế để đánh dấu cột mốc quan trọng này thì Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (hay còn gọi là UNESCO) đã chỉ định năm 2019 là Năm Quốc tế của Bảng tuần hoàn các nguyên tố (hay gọi tắt là IYPT2019).
Nguồn gốc của bảng tuần hoàn thì ai học hóa chắc cũng biết rồi phải không nào? Sẵn đây, blog sẽ nhắc lại sơ lược về nó.
Vào trước năm 1869 các nhà khoa học hay giả kim đã phát hiện được khá nhiều nguyên tố hóa học, thế nhưng người ta vẫn chưa biết giữa các nguyên tố liệu có mối quan hệ gì với nhau không.
Nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu , tìm ra cách phân loại các nguyên tố nhưng chưa ai tìm được nguyên tắc phân loại đúng đắn nên quy luật thay đổi tính chất của các nguyên tố vẫn còn là một câu đố.
Vào năm 1869, giáo sư trường đại học Peterbourg là Mendeleev (1834 – 1907) đã tiến hành nghiên cứu việc phân loại các nguyên tố. Cuối cùng Mendeleev đã phát hiện ra sự thay đổi tuần hoàn tính chất các nguyên tố theo khối lượng nguyên tử (thời đó người ta gọi là nguyên tử lượng) của chúng.
Ông sắp xếp 63 nguyên tố hóa học đã được phát hiện vào thời kỳ đó vào bảng tuần hoàn các nguyên tố. Các nguyên tố ở trên cùng một cột là cùng họ, ở trên cùng một hàng là cùng chu kì.
Ông đã chỉ ra rằng “các nguyên tố (hay các hợp chất đo các nguyên tố tạo thành) có tính chất thay đổi tuần hoàn theo khối lượng nguyên tử của chúng”.
Mendeleev đã mạnh dạn thay đổi khối lượng của một số nguyên tố, thay đổi vị trí của nhiều nguyên tố để nhiều ô trống trong bảng phân hạng và chỉ ra rằng ở chỗ các ô trống chính là các nguyên tố hóa học còn chưa được phát hiện, đồng thời cũng đưa ra các dự đoán về tính chất của các nguyên tố đó.
Vào năm 1869, Mendeleev chính thức công bố bảng hệ thống tuần hoàn các nguyên tố. Và tính đến thời điểm hiện tại đã có 118 nguyên tố được phát hiện và đưa vào bảng tuần hoàn. Để hiểu rõ hơn về bảng tuần hoàn, các bạn có thể tham khảo thêm tại đây nha.
Việc phát hiện định luật tuần hoàn đã khai phá được bí mật của thế giới vật chất, khiến các nhà hóa học có được một vũ khí mười phần mạnh mẽ, rất có ý nghĩa đối với sự phát triển của các ngành quang học vật lí học nguyên tử về sau này.
Cho đến ngày nay, định luật tuần hoàn cũng chỉ ra cách cho người ta tìm kiếm các nguyên tố mới, nghiên cứu quy luật cơ bản về tính chất của các nguyên tố.
Bên cạnh thông báo, UNESCO còn cho biết : “Các hoạt động kỷ niệm sẽ nêu bật những đóng góp của hóa học và các ngành khoa học cơ bản khác trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”.
Bạn có thể tìm hiểu lịch của các sự kiện và làm thế nào để tham gia vào một số niềm vui yêu hóa học ngay tại đây.
Bài viết đến đây là hết rồi. Hi vọng sẽ giúp ích cho các bạn hiểu hơn về hóa học. Lần sau nếu có ai hỏi “năm 2019 là năm gì của hóa học?” thì hãy nhớ về blog nhé!
Tham khảo Compound Interest, Wikipedia, Hoachatvanxuan và Iflscience.