Bệnh sâu răng, thường được gọi là bệnh răng miệng, do một số loại vi khuẩn tạo acid gây ra (cụ thể là các loài Lactobacillus, Streptococcus mutan, và các loài Actinomyces).
Các vi khuẩn này gây tổn thương cho răng trong môi trường có các carbohydrate lên men được, ví dụ như các loại đường sucrose, fructose, và glucose.
Những điều kiện này dẫn đến các lớp bên ngoài của răng dần dần bị tan, dẫn tới các lỗ hổng trong răng trong những trường hợp nghiêm trọng, khiến người bệnh đau nhức khó chịu.
Để chống lại điều này, kẹo cao su xylitol đã được đề xuất như là một biện pháp phòng ngừa tiềm năng.
Vì thế, chủ đề hóa học hôm nay của chúng ta, sẽ giúp giải thích làm thế nào xilytol có thể giúp ngăn ngừa sâu răng và hóa học đằng sau chúng nữa.
Một vài thông tin bên lề
Trước khi đi vào phần nội dung chính, thì các bạn có biết sâu răng ảnh hưởng đến một số lượng lớn trẻ em ở Mỹ, hơn bất kỳ bệnh mãn tính nào khác không?
Đây quả là một điều thú vị đúng không nào? Chúng ta thường nghĩ bệnh này chỉ xuất hiện ở các quốc gia đang phát triển, khi mà điều kiện cuộc sống còn khó khăn.
Nhưng thực tế trên toàn thế giới, nó ảnh hưởng đến khoảng 5 tỷ người, và thiếu các chương trình dự phòng ở các nước đang phát triển. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có hơn 90% trường hợp sâu răng tại các nước đang phát triển không được điều trị.
Mặc dù xylitol đã được phát hiện bởi các nhà hóa học Pháp và Đức vào năm 1890, nghiên cứu về lợi ích của nó trong việc ngăn ngừa sâu răng không thực sự bắt đầu.
Và cho đến khi các nhà hóa học Phần Lan bắt đầu chú ý đến nó vào đầu những năm 1970 và đã có một số lượng lớn các bài báo được xuất bản về các hiệu ứng của nó đối với sâu răng.
Vậy xylitol là gì?
Xylitol là một polyol, một hợp chất có carbon chứa nhiều nhóm hydroxyl. Nó được tìm thấy với nồng độ thấp trong một loạt các loại trái cây và rau quả.
Còn trong công nghiệp, nó được sản xuất từ một hợp chất gọi là xylan, được chiết xuất từ gỗ cứng hoặc ngô (hay bắp).
Xylan có thể được thủy phân, và sau đó hydrogen hóa, để sản xuất xylitol. Xylitol được sử dụng rộng rãi như một chất thay thế đường, bởi vì nó ngọt như đường và có chứa ít hơn 33% lượng calo.
Trên thực tế, nó thường được sử dụng làm chất tạo ngọt trong kẹo cao su thay vì sử dụng đường, và việc sử dụng nó cũng có thể có những lợi ích khác.
Một số nghiên cứu thực nghiệm về việc sử dụng kẹo cao su xylitol so với các loại kẹo cao su khác, cho thấy nó có thể có đặc tính phòng ngừa sâu răng.
Một nghiên cứu, xuất bản năm 1995, đã tiến hành nghiên cứu trong 40 tháng với khoảng 1700 học sinh ở Belize và người ta nhận thấy rằng, so với các loại kẹo cao su khác, kẹo cao su có chứa xylitol làm giảm tỉ lệ sâu răng một cách đáng kể.
Một cuộc đánh giá năm 2006 của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ cũng đi đến kết luận rằng “bằng chứng này đủ mạnh để hỗ trợ việc sử dụng thường xuyên kẹo cao su xylitol như là một cách để ngăn ngừa sâu răng” và một bài kiểm tra thêm vào năm 2011 đã củng cố khuyến nghị này.
Làm thế nào xylitol có thể ngăn ngừa sâu răng?
Hóa ra, cả xylitol và kẹo cao su đều đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sâu răng. Không giống như đường, xylitol không thể bị phá vỡ bởi vi khuẩn trong miệng để sản xuất năng lượng; do đó nó có thể ngăn ngừa sự tăng trưởng và sinh sản của chúng.
Hành động nhai kẹo cao su tự nó cũng có thể chống lại sâu răng, vì nó dẫn đến sản xuất nước bọt; điều này, cùng với hành động nhai, có thể giúp loại bỏ các mảnh vụn thức ăn từ miệng mà nếu không sẽ bị lên men bởi vi khuẩn.
Ngoài ra, người ta cũng gợi ý rằng xylitol có thể làm tăng độ kiềm của nước bọt, làm tăng khả năng vô hiệu hoá các acid do vi khuẩn tạo ra mà có thể dẫn tới sự phân rã.
Vậy sử dụng xylitol có thật sự ngăn ngừa sâu răng như người ta quảng cáo?
Một cuộc đánh giá xylitol năm 2010 đã gợi ý rằng, cần phải có nhiều thử nghiệm ngẫu nhiên và có kiểm chứng để làm rõ mức độ ảnh hưởng mà xylitol có trong việc ngăn ngừa sâu răng.
Một thử nghiệm sử dụng thuốc ngậm xylitol trên khoảng 700 người lớn vào năm 2013, đã làm giảm 11% lượng răng bị sâu răng, nhưng sự giảm này không có ý nghĩa lâm sàng.
Tuy nhiên, các tác giả của nghiên cứu này cũng lưu ý rằng thử nghiệm của họ, đã được thực hiện ở những nơi mà các đối tượng tiếp cận với nguồn cung cấp nước chứa florua, cũng có thể giúp ngăn ngừa sâu răng, và cũng có thể không liên quan đến hiệu quả của xylitol ở những người trẻ tuổi.
Thực tế không có nghi ngờ gì về hiệu quả của xylitol đối với vi khuẩn: một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên kiểm tra phản ứng của vi khuẩn đối với kẹo cao su xylitol, cho thấy nồng độ vi khuẩn thấp hơn mười lần sau sáu tháng sử dụng kẹo cao su chứa 6-10 gram xylitol.
Trên cơ sở này, các tác giả gợi ý rằng 5-6 gram xylitol mỗi ngày dưới dạng kẹo cao su sẽ có hiệu quả.
Vậy là các bạn đã biết nguyên nhân tại sao nhai kẹo cao su xilytol, giúp ngăn ngừa sâu răng rồi đúng không nào? Tuy nhiên chúng ta còn cần nhiều kết quả thử nghiệm trong tương lai để đánh giá nó có thật sự tốt hoàn toàn không?
Cho đến thời điểm hiện tại thì mọi thứ vẫn ok, vì thế bạn nên “thủ” một hộp xylitol bên mình để nhai khi buồn miệng vì nó có thể giúp bạn lấy lại hứng khởi và còn ngừa sâu răng nữa đó nhé!
Tham khảo Compound Interest, Wikipedia và Drellie.com.