Hóa học đằng sau viên xông hơi

Mấy ngày vừa rồi tôi tình cờ được nghe đến viên xông hơi trị cảm cúm. Thế là google tìm hiểu về nó.

Thấy cũng thú vị nên viết bài chia sẻ cho những ai chưa biết. Bạn hãy giành ít thời gian để tham khảo bài viết hóa học đằng sau viên xông hơi nhé!

Đôi nét

Cảm cúm là một bệnh nhiễm vi-rút, thường ảnh hưởng đến hệ hô hấp, gồm mũi, cổ họng và phổi. Đối với hầu hết trường hợp, bệnh sẽ tự khỏi.

Tuy nhiên, đôi lúc bệnh cúm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí có thể gây tử vong.

Sau khi cơ thể bị nhiễm lạnh (cảm cúm) sẽ xuất hiện các triệu chứng như người mệt mỏi, đau nhức xương khớp, ho, hắt hơi, sổ mũi.

Tình trạng này sẽ nhanh chóng được cải thiện nếu cơ thể được làm ấm và sử dụng một số bài thuốc đông y để phục hồi cơ thể.

4 cach xong mat tri mun an don gian tai nha min
Xông hơi giải cảm. Ảnh: Internet

Trong dân gian người dân thường dùng các loại lá (dược liệu) có chứa tinh dầu như: lá sả, lá bưởi, ngải cứu, hương nhu, bạc hà, tía tô, lá bình bát…. nấu nồi lá xông giải cảm.

Tuy nhiên việc tìm kiếm dược liệu ngày nay gặp nhiều khó khăn hơn, đặc biệt là người sống ở thành thị.

Vi thế sự ra đời của viên xông hơi có thể thay thế các loại lá xông, gọn nhẹ và rất tiện lợi dùng để xông hơi trị cảm, xông hơi sát trùng mũi họng, xông phòng khử mùi và tạo hương thiên nhiên.

Sử dụng bằng cách cho viên vào nồi chứa nước vừa sôi, trùm chăn kín, xông trong 10-15 phút.

Thành phần

Theo tìm hiểu thì mỗi sản phẩm có khối lượng hoạt chất và tá dược khác nhau nhưng nhìn chung thì có 3 hoạt chất chính là Menthol (trong lá Bạc hà), Eucalyptol (trong lá Tràm), Camphor (trong lá cây Long não).

Ví dụ như viên xông hương tràm Vim Báo Gấm chứa hoạt chất: Menthol 12mg, Eucalyptol 12mg, Camphor 12mg; Tá dược: Dầu lạc dược dụng 200mg, Màu xanh 0.025mg, Natri benzoat 0.6mg, Sorbitol 12.5mg, Gelatin 60mg, Nước cất 72 mg.

Nội dung sau đây chỉ đề cập đến các hoạt chất chính, bạn hãy tham khảo nhé!

Hóa học đằng sau

Menthol

800px Menthol structures.svg min
Cấu trúc của (-)-Menthol. Ảnh: Wikipedia

Menthol là một thành phần chính của bạc hà. Nó thu được bằng cách chiết xuất bạc hà bằng cách chưng cất hơi nước, loại bỏ nước bằng cách làm khô, sau đó làm lạnh dầu thu được để kết tinh tinh dầu bạc hà. 

Nguồn tốt nhất có lẽ là Mentha arvensis, Corn Mint (bạc hà Á) có tinh dầu lên đến 85% (-) – menthol.

Menthol (C10H20O) là một chất rắn kết tinh không màu, nhiệt độ nóng chảy 41 đến 43°C, hòa tan trong etanol nhưng không hòa tan trong nước. 

Trong tự nhiên, nó chỉ xuất hiện dưới dạng (-) menthol, và tên chính thức của nó là (1R, 2S, 5R)-2-isopropyl-5-metylcyclohexanol.

Trong tự nhiên có một con đường phức tạp sinh tổng hợp ra menthol, liên quan đến một loạt các phản ứng có xúc tác của enzym.

Ở phương Tây, menthol lần đầu tiên được phân lập vào năm 1771, bởi Hieronymus David Gaubius, người Đức.

Các mô tả ban đầu được thực hiện bởi Oppenheim, Beckett, Moriya, và Atkinson. Nó được đặt tên bởi FL Alphons Oppenheim (1833–1877) vào năm 1861.

Do tác dụng “làm mát” của menthol, nó được tìm thấy trong nhiều loại thuốc điều trị viêm họng và kích ứng miệng. 

Nó cũng được sử dụng trong điều trị đau nhức nhẹ và bong gân, và trong thuốc thông mũi. 

Nó được tìm thấy trong một số sản phẩm vệ sinh răng miệng, bao gồm kem đánh răng và nước súc miệng, và sẽ chống lại chứng “hôi miệng”. 

Tất nhiên, nó có trong một số loại kẹo cao su. Lần đầu tiên nó được thêm vào thuốc lá vào những năm 1920 và 1930 (ví dụ như nhãn hiệu “Spud” và “Kool”) để vừa có hương vị vừa để giảm kích ứng, đặc biệt là đối với cổ họng.

Eucalyptol

images min
Cấu trúc của Eucalyptol. Ảnh: Wikipedia

Eucalyptol (C10H18O), là một hợp chất được tìm thấy trong tự nhiên, chất lỏng, không màu khi ở nhiệt độ thường. Nó là một ete vòng đồng thời là một monoterpenoid.

Hoạt chất này chiếm đến hơn 90% trong tinh dầu của những sản phẩm mang tên gọi chung là tinh dầu bạch đàn. Vậy nên, nhiều người gọi Eucalyptol là tinh dầu bạch đàn.

Eucalyptol có mùi giống như long não tươi và có vị hăng, tạo cảm giác mát lạnh. Nó không hòa tan trong nước, nhưng trộn lẫn với ete, etanol và cloroform. Điểm sôi của nó là 176°C và điểm bắt lửa là 49°C.

Hoạt chất này được phát hiện vào năm 1870 bởi F.S. Cloez và đặt tên cho nó là Eucalyptol – một thành phần chủ đạo của tinh dầu bạch đàn, loại thuộc chi Eucalyptus.

Ngoài ra, Eucalyptol còn được tìm thấy nhiều trong long não, dầu trà gỗ, ngải cứu, nguyệt quế, một số loại thực vật lá có hương ….

Tinh dầu Eucalyptol được ứng dụng nhiều trong đời sống. Cụ thể như:

  • Dùng làm chất tạo vị & hương trong mỹ phẩm, bánh kẹo và đồ ăn. Do có mùi hương và vị hăng dễ chịu.
  • Trong y dược, Eucalyptol còn được dùng để làm nước súc miệng và thuốc ho, có tác dụng sát trùng đường hô hấp; hỗ trợ giảm ngứa rát cổ họng, đau họng một cách hiệu quả.
  • Ngoài ra, người ta còn dùng Eucalyptol để bào chế thuốc trừ sâu và xua côn trùng.

Camphor

media f67 f670e829 30b8 4d1f 8443 755c7145a7f4 phpfSAhSr min
Cấu trúc của Camphor. Ảnh: Wikipedia

Camphor là một chất rắn kết tinh màu trắng hay trong suốt giống như sáp với mùi thơm hăng mạnh đặc trưng. Nó là một loại terpenoid với công thức hóa học C10H16O.

Nó được tìm thấy trong gỗ của cây long não (Cinnamonum camphora), một loại cây thân gỗ lớn thường xanh, mọc ở châu Á, đặc biệt là Borneo, Indonesia và một vài loại cây gỗ có quan hệ họ hàng khác trong họ Nguyệt quế, đáng chú ý là Ocotea usambarensis ở Đông Phi.

Nó cũng có thể được tổng hợp từ nhựa thông. Nó được sử dụng vì mùi của nó, trong vai trò của các chất lỏng để ướp và cho các mục đích y học.

Camphor có nhiều loại sử dụng tại chỗ do đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm và chống viêm. Nó có thể được sử dụng để điều trị các bệnh ngoài da, cải thiện chức năng hô hấp và giảm đau.

Bài viết đến đây là hết rồi. Hi vọng sẽ giúp ích cho các bạn phần nào trong tương lai. Lần sau nếu có ai hỏi về chủ đề này thì hãy nhớ về hóa học đằng sau chúng nhé!

Tham khảo Bris, Wikipedia, Healthline, OPCNhà thuốc An Khang.

Chia sẻ:
 
HHLCS

Tôi là người đam mê Hóa học và muốn chia sẻ những kiến thức này cho những người cùng sở thích, đam mê. Tôi chủ yếu xuất bản về các chủ đề liên quan đến hóa học trong cuộc sống hằng ngày.